• :
  • :

Xây dựng đội ngũ cán bộ huyện Lâm Bình có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Hội nghị cán bộ chủ chốt huyện Lâm Bình quán triệt, học tập Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã xác định nguồn nhân lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng cùng với các nguồn lực khác trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương. Cấp ủy huyện luôn quan tâm đến công tác quán triệt, học tập nghị quyết, chỉ thị, kết luận… của Đảng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cấp huyện, cấp xã, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín là một nhiệm vụ trọng tâm, cần được thực hiện đồng bộ, thường xuyên và liên tục.

Xã Bình An, huyện lâm Bình nghiên cứu, quán triệt, học tập chuyên đề năm 2023 về xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

Đến nay, sau ba năm thực hiện Nghị quyết, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng lên một cách rõ rệt bằng giải pháp cụ thể trong việc khuyến khích, tạo điều kiện và cử cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị,… Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, trên đại học, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị đã tăng lên nhiều so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên là 87,2% (chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025 là trên 90%).

Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Lâm Bình tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện. Đến hết năm 2023, cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện có bản lĩnh, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công tác tuyển dụng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đã bổ sung những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ theo vị trí việc làm, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các cơ quan, đơn vị. Huyện đã tổ chức tuyển dụng 70 viên chức và 03 công chức cấp xã, đồng thời làm tốt công tác tinh giản biên chế theo quy định để tập trung tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm được thực hiện ngày càng chặt chẽ, thực chất hơn, kết quả xếp loại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được gắn liền với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Trung bình hằng năm, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt tỷ lệ trên 92%.

Trên cơ sở chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi cao về thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thực thi công vụ trong giai đoạn hiện nay đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp xã vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ song chất lượng chưa đồng đều, còn thiếu cán bộ có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được quan tâm và triển khai thực hiện, tỷ lệ về trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tăng lên so với giai đoạn trước, song tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đào tạo trên đại học còn thấp. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, nghiên cứu, tổng hợp tại các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huyện có trình độ trên đại học là 8,4%, (chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025 là 10% trở lên). Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên là 79,8% (còn thấp so với Nghị quyết đến năm 2025 là trên 95%).

Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn lực, về vị trí, vai trò, về năng lực, trình độ cần có để đáp ứng yêu cầu đổi mới và đòi hỏi ngày càng cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thực thi công vụ trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, tiếp tục làm tốt công tác tuyển dụng gắn liền với các chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao tham gia thi tuyển, xét tuyển đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, có tính cạnh tranh cao trong tuyển dụng, tuyển chọn. Tiếp tục tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo trên cơ sở có nguồn quy hoạch dồi dào, chất lượng, đảm bảo thi tuyển lựa chọn được cán bộ có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng tốt theo vị trí chức danh thi tuyển. Chủ động rà soát, đánh giá chất lượng và xây dựng kế hoạch sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp vị trí việc làm.

Ba là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với quy hoạch theo vị trí việc làm, chú trọng công tác đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm để đảm bảo sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sẽ áp dụng kiến thức chuyên môn vào việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể tại địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực đang công tác.

Bốn là, thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng mở rộng đối tượng, đa dạng vị trí công tác, linh động về mặt thời gian, qua đó rèn luyện năng lực thực tiễn, nâng cao kiến thức thực tế ở các lĩnh vực, ngành, đơn vị, địa phương trong huyện, việc lựa chọn cán bộ để luân chuyển phải đảm bảo nguyên tắc kỹ lưỡng, thận trọng, dựa trên cơ sở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo và khả năng phù hợp với vị trí, nhiệm vụ mới được đảm trách.

Năm là, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết với công việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn liền với công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát về năng lực chuyên môn, đạo đức, tác phong, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, trong thực thi công vụ. 

Sáu là, cần làm tốt việc khuyến khích, động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu, có thành tích xuất sắc, là những tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ để lan tỏa, nhân rộng trong toàn huyện. Tạo môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể trong các cơ quan, đơn vị.

 


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Mục lục