Các đại biểu dự hội nghị. Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo. Đề án nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên. Tỉnh phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên; đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng người có công với cách mạng. Tham gia ý kiến phản biện, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án. Qua đó, nhằm tiếp tục thực hiện những mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người dân, hộ nghèo, cận nghèo trong giai đoạn mới. Đồng thời, cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn các căn cứ cụ thể trong việc thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo; việc thực hiện giải pháp về hỗ trợ người dân, hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập; hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi một số vấn đề đại biểu nêu. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu tại hội nghị để tập trung hoàn thiện Đề án. Qua đó, góp phần cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống. Đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, căn cứ vào tình hình thực tiễn để cân đối phân bổ nguồn lực hợp lý, đồng thời tham mưu cho tỉnh có cơ chế phù hợp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đối với các giải pháp cụ thể, đồng chí lưu ý cần có cơ chế đối với các đối tượng người có có công, các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số. Trong Đề án cần căn cứ vào những nguyên nhân nghèo để xác định các giải pháp cụ thể, phù hợp và có tính khả thi cao, từ đó rút ngắn khoảng các giàu nghèo trong xã hội. Theo Ngọc Hưng/baotuyenquang.com.vn
Phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án giảm nghèo bền vững
Ngày cập nhật: Thứ năm, 24/03/2022 | 10:53 | Lượt xem: 7