Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các phong trào quần chúng, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Xác định rõ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu quan trọng, vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vì vậy phải được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở luôn được cấp ủy đảng các cấp trong tỉnh quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XVI) ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 21/6/2015 về xây dựng trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đạt chuẩn. Theo đó trong nhiệm kỳ Đại hội XVI, Đảng bộ tỉnh đã có 4/7 trung tâm chính trị (Chiêm Hoá, Hàm Yên, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang) được đầu tư tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng đạt chuẩn. Cấp ủy tỉnh đã chỉ đạo thực hiện bố trí, sắp xếp "trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương sáu (khóa XII). Trung tâm chính trị thành phố Tuyên Quang và Trung tâm chính trị huyện Hàm Yên được đầu tư xây dựng nhà làm việc theo Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng trung tâm chính trị đạt chuẩn Đội ngũ lãnh đạo, giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm nhiệm các trung tâm chính trị được củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng cơ bản bảo đảm về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, 100% giám đốc, phó giám đốc và giảng viên chuyên trách có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% giám đốc, phó giám đốc, giảng viên chuyên trách có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó thạc sỹ là 42,9%. Giai đoạn 2015-2020, các trung tâm chính trị của tỉnh mở được trên 2.900 lớp với gần 373 nghìn lượt học viên. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của trung tâm trong việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm chính trị có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các trung tâm chính trị trên địa bàn tỉnh, trước hết các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần nhận thức đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm chính trị trong việc bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở không thuộc đối tượng đào tạo của Trường Chính trị tỉnh. Cấp ủy cấp huyện, trực tiếp và thường xuyên là thường trực, ban thường vụ lãnh đạo toàn diện các hoạt động của trung tâm chính trị. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo về số lượng và các tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị theo quy định. Chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm chính trị. Ban tuyên giáo cấp huyện theo dõi, tham mưu với cấp ủy cấp huyện về nội dung hoạt động và sự phối hợp công tác của các đơn vị liên quan đối với trung tâm chính trị; giúp cấp ủy thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung chính trị, tư tưởng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Ban tổ chức (cơ quan tổ chức - nội vụ) các huyện ủy, thành ủy chủ trì phối hợp với ban tuyên giáo và trung tâm chính trị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của trung tâm chính trị. Các trung tâm chính trị triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về chương trình đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn của Trường Chính trị tỉnh về chuyên môn, nghiệp vụ. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực của người học, ứng dụng các phương pháp hiện đại, hấp dẫn người học, tạo hứng thú tìm tòi, nghiên cứu. Tổ chức cho cán bộ, giảng viên nghiên cứu thực tế, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức dự giờ, đánh giá rút kinh nghiệm giờ dạy; xây dựng bài giảng mẫu; sinh hoạt chuyên môn chuyên đề về nội dung chương trình, về phương pháp giảng dạy, thi giảng viên lý luận chính trị giỏi… Các giảng viên thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu thực tiễn cơ sở, nghiên cứu cập nhật, bổ sung chủ trương, đường lối, quan điểm mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, thời sự trong nước và quốc tế... Làm phong phú kiến thức, nâng cao chất lượng bài giảng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Hội thi giảng viên Lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2022 Bên cạnh đó, các trung tâm chính trị chủ động mở lớp phù hợp với đặc thù công việc của từng nhóm đối tượng. Phân công bài giảng cho giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm nhiệm theo phương châm giảng viên chuyên trách soạn bài và lên lớp được các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để sẵn sàng dạy thay cho giảng viên kiêm nhiệm tránh việc thay đổi kế hoạch giảng dạy và học tập, ảnh hưởng đến tính hệ thống, tính lôgic của nội dung, chương trình. Tăng cường quản lý học viên trong học tập và rèn luyện, phát huy tính tự quản của học viên, vai trò của giảng viên phụ trách lớp và trách nhiệm của giảng viên đang giảng dạy trên lớp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của Đảng,vì “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và muốn có cán bộ tốt thì “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần quan tâm tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo chăm lo xây dựng trung tâm chính trị đạt các tiêu chí chuẩn theo Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các trung tâm chính trị phát huy vai trò chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị trên địa bàn để tham mưu cấp ủy các cấp tổ chức có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Lã Văn Hào
Trung tâm chính trị cấp huyện với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở - một số nhiệm vụ và giải pháp
Ngày cập nhật: Thứ sáu, 17/06/2022 | 17:00 | Lượt xem: 4