• :
  • :

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

 

Minh họa: Tất Thắng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, chú trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp làm việc biện chứng cho cán bộ, đảng viên, giúp họ có kiến thức lý luận, nhận thức đúng đắn thế giới khách quan, tránh sai lầm trong nhận thức và cải tạo thực tiễn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(1).

Tuy nhiên, việc giáo dục lý luận chính trị hiện nay cũng còn có hạn chế nhất định, đó là: “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đương lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”(2) dẫn đến “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, một số ít hoang mang dao động, thiếu lòng tin, cá biệt còn phủ nhận Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(3).

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, cần lưu ý một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị. Theo Văn kiện Đại hội XIII: “đổi mới căn bản nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”(4) nhằm khắc phục cả nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đồng thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đất nước sau 35 năm đổi mới phải bổ sung, cập nhật cho phù hợp với tình hình. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, phương pháp giáo dục đào tạo cũng phải thay đổi để phát huy vai trò người học, đổi mới sáng tạo để ngày càng thực chất và hiệu quả. Văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, khắc phục lối suy nghĩ và làm việc lạc hậu, xáo mòn, khắc phục tình trạng chỉ coi trọng đào tạo mà xem nhẹ công tác bồi dưỡng “đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(5)

Hai là, tăng cường công tác quản lý học viên, khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị: Khi đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là tăng cường quản lý quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của học viên, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, học viên học đối phó, chạy theo bằng cấp. Đại hội XIII nhấn mạnh:” Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận chính trị với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị”(6). Khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên.

Ba là, củng cố, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên và báo cáo viên, hiệu quả hoạt động của giảng viên Trường chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị cấp huyện. Đại hội XIII khẳng định: “tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên” và “kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị”(7). Bản thân đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trước hết phải thường xuyên đổi mới, nâng cao năng lực giảng dạy, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách, là những tấm gương trong học tập và rèn luyện. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị cấp huyện để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Nguyễn Nhung

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2011, tập 5, tr 273- 274

 (2) (3) (4) VK Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, tr 172, 168, 235.

 (5) (6) (7) VK Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, tr 236


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Mục lục